Liên lạc - Share:

gvnanh@gmail.com - Tel.: 055 3857 100 ; 0986 8786 09 - Địa chỉ: Nhà thờ Vĩnh Phú, TT. Mộ Đức, H. Mộ Đức, Quảng Ngãi (gần UBND huyện và chợ Đồng Cát)

LƯỢC SỬ CUỘC TỬ ĐẠO 16/7/1885

TÓM LƯỢC TIỂU SỬ CHA JEAN MARIE POIRIER TÂN (1848-1885),
CUỘC TỬ ĐẠO CỦA NGÀI & GIÁO DÂN GIÁO XỨ BÀU GỐC (16/7/1885)

I. Hồn tông đồ
“– Anh muốn thổ lộ với em điều này, anh tôi nói nhỏ với tôi, nhưng em phải hứa là giữ bí mật cho đến khi anh cho phép em nói ra; em có hứa không?  Vâng, tôi trả lời anh. – Anh sẽ làm nhà truyền giáo, vâng, anh sẽ đi thật xa, thật xa để chinh phục các linh hồn cho Chúa…Dù anh chỉ chinh phục được một linh hồn thôi, thì anh cũng sẽ đi, bất cứ giá nào”.
Đó là câu chuyện xảy ra vào một buổi chiều tháng 8 năm 1864.
Chính một người em gái của vị tử đạo: Cha Jean-Marie Poirier Tân, kể lại cho chúng ta. Khi đó cha được 16 tuổi, và đây là lần đầu tiên ngài nói về dự định sống đời tông đồ của ngài.
Sáu năm sau, khi cô em gái đó đi tu dòng Đức Mẹ Vô nhiễm, bấy giờ cha Jean-Marie Poirier Tân là chủng sinh của Đại chủng viện Rennes đến thăm em, và nhắc lại ước mơ thành nhà truyền giáo của ngài:
- Này em, em có nhớ điều anh đã nói với em về ơn gọi của anh không?  Cô em trả lời – Dạ em vẫn nhớ  – Em đã nói điều ấy với ai chưa?  Dạ chưa bao giờ – Vậy thì, bây giờ em có thể nói điều ấy: ba tháng nữa anh sẽ gia nhập Chủng viện hội Thừa sai Paris.


Cha Poirier Tân sinh 23 tháng 6 năm 1848 tại làng Bignon, huyện Saint-Colombe, tỉnh Ille-et-Vilaine, thuộc giáo phận Rennes, nước Pháp. Ngài theo học đại chủng viện giáo phận Rennes, rồi tháng Chín 1870 thầy vào Chủng viện hội Thừa sai Paris khi đó thầy 22 tuổi. Và 03 năm sau, ngày 20 tháng Chín 1873 thầy chịu chức linh mục lúc 25 tuổi.
II. Bước đường truyền giáo
Ngày 5 tháng Mười liền sau đó, cha Poirier Tân được cử đến họ đạo Trung Tín (Quảng Ngãi) một thời gian, rồi lên Kontum giảng đạo cho người Ba-Na, ngài cư trú tại Rơ-hai (giáo xứ Tân Hương ngày nay), sau đó ở tại Kon-trang (ngày nay là một giáo xứ lớn). Nhưng chẳng bao lâu ngài ngã bệnh nặng.
Cha Dourisboure, người sáng lập miền truyền giáo dân tộc Ba-Na, đã viết: “Trong rừng núi tự do của chúng tôi, trong xứ tuyệt đối độc lập này, có một nữ hoàng bạo ngược, không ai thoát khỏi ách của bà. Nữ hoàng này chính là bệnh sốt rét. Phần lớn không chống nổi nó, và những người sống sót thì khi bình phục, lại rất khác với tình trạng trước đây của họ. Tôi nói điều này nhất là cho những người kế tục chúng tôi sau này, không phải để làm cho họ nản lòng – một nhà truyền giáo thực sự không nản lòng vì việc nhỏ nhặt như vậy – nhưng để báo cho họ biết và an ủi họ trước. Một nhà truyền giáo trẻ luôn luôn ấp ủ ít nhiều tận đáy lòng niềm hy vọng được tử đạo. Vậy thì, với tất cả những người sẽ được gởi đến nơi những người thiểu số nầy, tôi đoan chắc rằng họ sẽ tử đạo, sự tử đạo không hiển hách, không gông cùm, không roi vọt, không tra tấn và không đổ máu, nhưng không kém đau đớn, lâu dài hơn nhiều, và tôi hy vọng điều đó cũng làm vui lòng Thiên Chúa mà chúng tôi rao giảng, làm vui lòng Chúa Giêsu chịu đóng đinh.
Đây chính là sự tử đạo mà Cha Poirier Tân đã chịu; cha chắc chắn là đã ngã quỵ ở đó nếu Đức Giám mục không gọi cha về lại xứ Trung kỳ, và trong ba năm (1877-1880), cha làm quản lý nhóm truyền giáo.
Đến năm 1880, cha làm cha sở Phú Thượng (Quảng Nam), bao gồm 12 họ đạo với 2670 giáo dân. Trong năm 1881, cha rửa tội cho 108 người ngoại trở lại. Công việc truyền giáo đang phát triển, cha lại ngã bệnh và được đưa sang Hồng-kông chữa bệnh gần một năm.
Bình phục, cha được bề trên cử đến Văn Bân (Mộ Đức, Quảng Ngãi).
Cha ghi lại vào ngày 30 tháng 6 năm 1885 rằng: “Tôi thấy hạnh phúc trong vùng truyền giáo mới này, tất cả đều diễn tiến tốt đẹp, nhất là quanh tôi đang có phong trào trở lại đáng trân trọng và thực sự khác thường. Từ ngày đầu năm cho đến lễ Phục Sinh, tôi đã rửa tội được 150 dự tòng; một số lớn lương dân xin trở lại. Chẳng phải tất cả điều đó làm cho con tim của nhà truyền giáo mừng vui sao?
Thế nhưng, cha Poirier Tân đã không được hưởng nếm sự vui mừng sâu sắc này bao lâu nữa. Chính ngài kể lại: “Các quan lại và nho sĩ đã thề bằng bất cứ giá nào cũng ngăn cản tôi giảng đạo tại nơi họ. Không cần một lý do rõ ràng nào, ông chánh tổng đã tống ngục nhiều tân tòng, đóng gông sau khi đánh đập họ.”
Trong một bức thư đề ngày 8 tháng 6 năm 1885, Đức Cha Van Camelbeke viết rằng: “Khi biết những sự việc này, cha Poirier Tân đã không ngần ngại đi đến tri huyện để đòi công lý.
Các cố gắng của ngài vẫn không kết quả, và chính lúc ấy, người bạn đồng hội chúng tôi đã chuẩn bị đích thân đi đến Văn-Bân để xem có cách nào đàm phán hoà bình với các giới chức thẩm quyền của làng không. Muốn kết thúc sớm nhất, cha Poirier Tân, được thúc đẩy bằng những ý hướng ôn hoà nhất, đã không quản ngại tự mình đi đến nhà làng, với duy nhất một chú giúp mười tám tuổi. Sau đó, ba giáo dân cùng đi theo cha. Nhưng những chức sắc của làng đã tàn nhẫn tóm lấy và dùng gậy đánh cha dữ dội, nhất là đầu và cánh tay trái. Một trong các giáo dân chứng kiến cảnh bi thảm này, gấp rút đi báo tin cuộc mưu sát bỉ ổi này cho các cha Garin và Guégan, lúc bấy giờ ở cách đó rất xa. Hai người bạn đồng hội này ra đi ngay, và khi đi ngang qua đã vào huyện đường để đệ đơn khiếu nại lên quan lớn và yêu cầu cứu giúp và bảo vệ, vì các nhà truyền giáo đã được cấp giấy thông hành. Đơn thỉnh cầu của họ vẫn không có hiệu quả, họ dũng cảm tiếp tục lên đường. Nhưng trước khi đến lãnh thổ Văn-Bân, họ đã gặp giáo dân báo cho biết rằng tất cả các làng đều đã đồng loạt thúc đẩy cuộc bách hại, và họ van xin các cha đừng tìm cách đi đến gần cha Poirier Tân trong lúc này, vì sẽ chắc chắn chuốc lấy một sự nguy hiểm cách vô ích vì tất cả đang ở trong tình trạng bị kích động cao độ. Vậy qua ngày hôm sau các ngài mới lại toan tính đi đến tận nơi xảy ra cuộc bách hại.
Vừa đến gần nhà làng, thì bỗng vang lên tiếng chiêng báo động, và từ khắp phía, một đạo quân dường như thực sự từ dưới đất chui lên rượt theo các ngài và lập lại kỳ tích mới của họ. Vậy là các ngài đã phải ẩn trốn vào nhà giáo dân của xứ Văn-Bân.
Đêm tiếp theo, cha Garin lén lút vào được tận bên cha Poirier Tân; đầu cha đầy những vết thương còn đang rỉ máu, hai cánh tay bị gậy gộc đập bầm tím, còn hai chân thì bị giáo mác đâm thủng. Đây là một trong những cuộc hội kiến xúc động nhất. Nạn nhân đáng thương của chúng ta tin là giờ chết đã đến nên xin chịu các bí tích sau hết và lãnh nhận Mình Thánh Chúa như của ăn đàng.”
Ngày hôm sau, cha Poirier Tân được trả tự do; nhưng than ôi! tự do cũng sẽ chẳng còn được bao lâu nữa.
III. Của lễ toàn thiêu
Rời bỏ Văn Bân, cha Poirier Tân đến Bàu Gốc (cách Văn Bân chừng 10 cây số về phía tây nam). Ngày 14 tháng 7 (1885), cha Geffroy, đang ở tại Gia Hựu (Bồng Sơn), đã nhận được một bức thư khá chi tiết cha Poirier Tân gởi đến Đức Cha Van Camelbeke, trong đó có ghi: “Những người Văn Thân đã dựng cờ nổi dậy, họ chiếm thành, chọn một ông hoàng mà vua Tự Đức ngày xưa đã đày đến đó lên làm vua và chuẩn bị thi hành cuộc tổng tàn sát các Kitô hữu.”
Vào buổi sáng ngày 15, hai giáo lý viên của cha Poirier Tân đã đến Gia Hựu. Họ kể lại với cha Geffroy: “Cha sở đã bắt ép họ trốn đi, trong khi chính ngài ở lại với giáo dân của mình, để chuẩn bị cho họ chết và chết cùng với họ, bởi vì việc cùng nhau chạy trốn là không thể.”
Đây là những chi tiết họ thuật lại sau này về cha Poirier Tân và giáo dân của ngài: Trong 400 tín hữu tại họ đạo Bàu Gốc, chỉ khoảng 12 người chạy thoát khỏi cuộc tàn sát. Nhà thờ bị bao vây trong đêm 14 đến ngày 15. Cha sở đã thức suốt đêm để giải tội, cũng như suốt cả ngày 15 và đêm tiếp theo nữa. Lúc hai giờ sáng ngày 16, ngày lễ Đức Mẹ núi Camêlô, cha cử hành thánh lễ sau cùng và cho tất cả giáo dân rước lễ: đây là của ăn đàng của các vị tử đạo. Sau kinh Cảm ơn, người ta lại tiếp tục đọc kinh cầu nguyện trong khi chờ chết, vì người ta tin rằng những kẻ cắt cổ giết người sẽ xâm chiếm giáo xứ lúc bình minh.
Vị thừa sai đã trở về phòng mình cạnh nhà thờ, và khi tất cả giáo dân tụ tập lại trong sân, thì vào lúc mờ sáng đã vang lên những tiếng la thét của những tên côn đồ, và âm thanh tang tóc của những chiếc trống và cồng chiêng đánh trận. Tất cả giáo hữu quỳ xuống và kêu lên: Ôi! cha ơi, họ giết chúng ta rồi…. Chúa ôi! Giêsu! Maria! Giuse! Cha sở ban ơn toàn xá cho các tín hữu; rồi ngài quỳ xuống, quay mặt về phía bàn thờ nhỏ, mắt nhìn lên ảnh Chuộc Tội, ngài vừa đọc kinh vừa chờ đợi.
Những kẻ giết người ùa vào trong vườn nhà thờ, la ó man rợ. Giáo dân chạy trốn khắp phía; họ bị đẩy lùi lại, lúc bấy giờ họ đổ dồn vào nhà thờ. Nhà thờ bị phóng hỏa. Những kẻ dã man kia đi thẳng vào nhà xứ, họ bắn hai phát súng khiến cha sở ngã xuống; lập tức người ta xông vào ngài, chặt đầu ngài bằng một nhát kiếm, một tên khác chẻ ngực ngài ra: linh hồn vị tông đồ đã ở trước mặt Thiên Chúa. Họ ném xác cha sở vào đám lửa đang bùng cháy thiêu đốt 400 giáo dân giáo xứ Bàu Gốc như một của lễ toàn thiêu.
+
Bản tóm lược và trình bày theo các tài liệu sau:
+ Bản dịch của Phêrô Võ Sum trong tập sách “Khi xác thân là của lễ” – Các thừa sai Pháp tử đạo năm 1885 tại Đông Đàng Trong (Qui Nhơn), được chuyển ngữ từ Adrien Launay, Nos missionnaires, précédés d’une étude historique sur la Société des Missions Étrangères, Retaux-Bray, Paris, 1886, tr. 207-307. Ban Truyền Thông Văn Hóa Giáo phận Qui Nhơn, 2011. Nguồn tin: Gpquinhon.org.                                
+
Lễ giỗ Tiền hiền Tử đạo Bàu Gốc
20/3 tiết Thanh Minh năm 2015


 Tác giả bài viết: Cha sở gx. Bàu Gốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét